VFA giảm giá sàn xuất khẩu gạo làm trầm trọng thêm tình cảnh khó khăn của người trồng lúa.
Trong lúc giá thu mua lúa vụ đông xuân sớm ở ĐBSCL đang ở mức cao vì nhu cầu lương thực thế giới tăng thì bất ngờ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông báo giảm giá sàn xuất khẩu gạo khoảng 10 – 20 USD/tấn, từ đó giá thu mua lúa gạo trong nước cũng tụt mạnh theo.

Giá sàn “nhảy múa”

Thông báo trên được VFA đưa ra hôm 9-3, có hiệu lực từ ngày 12-3. Theo đó, giá gạo xuất khẩu các loại giảm khoảng 10 – 20 USD/tấn. Cụ thể, gạo 25% tấm được điều chỉnh về mức 480 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn; gạo 5% tấm về mức 500 USD/tấn, giảm 20 USD/tấn. Như vậy, từ đầu năm 2011 đến nay, VFA đã 5 lần điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo, trong đó, chỉ một lần điều chỉnh tăng giá sàn gạo 25% tấm từ 480 USD/tấn lên 490 USD/tấn và gạo 5% tấm từ 500 USD/tấn lên 520 USD/tấn vào ngày 21-2, còn lại đều giảm giá sàn.

Giữ giá lúa không thấp hơn 5.000 đồng/kg
Lý giải nguyên nhân vì sao giá sàn xuất khẩu gạo của Việt Nam vừa tăng mới đây nay đã giảm, ông Trương Thanh Phong cho rằng dù giá lương thực thế giới tăng cao nhưng chỉ rơi vào nhóm các mặt hàng lúa mì, bắp, đậu nành…, còn gạo thì không có được mức giá tăng như mong muốn. Thái Lan cũng vừa điều chỉnh giá xuất khẩu gạo 5% tấm từ 525 USD xuống còn 480 USD/tấn, vì thế giá gạo xuất khẩu của nước ta cũng phải điều chỉnh theo.

Ông Trương Thanh Phong khẳng định thời gian tới, nếu giá lúa gạo trong nước giảm mạnh, VFA sẽ can thiệp bằng cách tiếp tục thu mua lúa gạo tạm trữ thêm để giữ giá lúa không dưới 5.000 đồng/kg. Đến thời điểm này, hợp đồng xuất khẩu gạo đã được ký kết với số lượng khoảng 2,5 triệu tấn, so với cùng kỳ năm ngoái giảm khoảng 5%.

Theo VFA, việc giảm giá sàn xuất khẩu gạo lần này nhằm hỗ trợ thị trường xuất khẩu cũng như khuyến khích tiêu thụ lúa đông xuân trong nước đang vào vụ thu hoạch rộ. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng động thái trên của VFA khó đem lại hiệu quả và làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người trồng lúa.

Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, lượng gạo xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2011 lên đến 1,1 triệu tấn, đạt 595 triệu USD, tăng 55,6% về khối lượng nhưng chỉ tăng 44,5% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng gạo xuất khẩu tăng là do hợp đồng đã ký được từ cuối năm 2010, giao hàng đầu năm 2011. “Thực tế, tình hình xuất khẩu gạo hiện nay không mấy khả quan nếu không muốn nói là ảm đạm” – một chuyên gia khẳng định và dẫn chứng thêm: “Philippines là khách hàng lớn và truyền thống của chúng ta nhưng mới đây quốc gia này đánh tiếng chỉ nhập khẩu chưa tới 1 triệu tấn gạo cho cả năm 2011, giảm đến 60% so với năm 2010”.

Bị giảm thị phần ở Đông Nam Á, các nhà xuất khẩu gạo quay sang tìm kiếm khách hàng ở Trung Đông và châu Phi. Tuy nhiên, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết tình hình bất ổn chính trị tại Bắc Phi, Trung Đông đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngân hàng không tài trợ tín dụng, các công ty bảo hiểm cũng từ chối bảo hiểm hàng hóa cho doanh nghiệp xuất khẩu sang những khu vực trên.

Nông dân bị vạ lây

Những ngày này, khắp ĐBSCL đang thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân, nông dân chưa kịp mừng thì giá lúa liên tục giảm. Ông Trần Văn Út Tiếp, ở xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cho biết lúa của ông đã thu hoạch 2 ngày, đang đỏ mắt tìm người mua. Ông Tiếp nuối tiếc: “Bữa tôi cắt lúa, giá còn 5.600 đồng/kg nhưng nay bạn hàng trả chỉ 5.300 đồng/kg, không bán thì thôi, không có cơ hội cò kè giá cả”. Ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cho biết hiện toàn tỉnh đã thu hoạch được 50% trên tổng diện tích vụ đông xuân hơn 220.000 ha, năng suất trung bình từ 7 tấn/ha trở lên, nhưng giá lúa đã giảm.

TS Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho rằng việc VFA điều chỉnh giảm giá sàn xuất khẩu gạo là do tình hình thị trường thế giới, song đã khiến giá thu mua lúa gạo trong nước bị vạ lây. Ông Quốc phân tích: “Khi giá sàn xuất khẩu gạo giảm thì doanh nghiệp cũng sẽ giảm giá nguyên liệu mua vào để bảo đảm lợi ích của mình, vì thế giá lúa gạo trên địa bàn tỉnh giảm sâu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu ở tỉnh Đồng Tháp được phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ 60.000 tấn gạo song giá lúa vẫn giảm. Hiện giá lúa khô trên địa bàn tỉnh khoảng 5.000 – 5.200 đồng/kg, giảm khoảng 800 – 1.000 đồng/kg so với đầu tháng”. Cũng theo ông Quốc, dù giá lúa đang tụt giảm nhưng nông dân vì cần vốn để xuống giống vụ hè thu sớm nên buộc phải bán.

    Apply CV

    Vui lòng điền thông tin và đính kèm CV bên dưới, bộ phận HR sẽ liên hệ lại bạn sớm nhất.